Cẩm nang du lịch

Quay lại  Gửi email

Chùa Cầu Hội An – Ngắm nhìn vẻ đẹp của dấu ấn thời gian

Chùa Cầu Hội An – Ngắm nhìn vẻ đẹp của dấu ấn thời gian 31/07/2019 21:16:47

Hội An là điểm đến của du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp đến du lịch mảnh đất miền Trung xinh đẹp. Ngoài khu phố cổ, ẩm thực độc đáo mà ở Hội An còn có chùa Cầu với kiến trúc độc đáo và trầm mặc. Hãy cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của dấu ấn thời gian tại ngôi chùa Cầu Hội An nhé!

 


Nằm tại phố cổ Hội An, nối liền đường Trần Phú với đường Nguyễn Thị Minh Khai, chùa Cầu Hội An nằm trên cây cầu dài khoảng 18 m, vắt cong qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn. Chưa kể đến kiến trúc, ngay cả vị trí chùa cũng đã thu hút sự quan tâm của du khách gần xa.


Chùa Cầu Hội An còn được gọi với tên khác là Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều, bởi chiếc cầu và ngôi chùa được các thương nhân người Nhật xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 17. Với biểu tượng mái hình chiếc kiếm đâm xuống lưng con quái vật Mamazu – quái vật gây ra động đất, thiên tai, với mong muốn đem lại sự bình yên cho mảnh đất thương cảng, nơi hội tụ giao thương thì có thể khẳng định, chùa Cầu Hội An chính là biểu tượng giao lưu văn hoá, kiến trúc giữa 3 nước Việt Nam, Nhật Bản và Trung Hoa.

 

 


Đến tham quan chùa Cầu Hội An du khách sẽ ấn tượng với kiến trúc “thượng gia hạ kiều” độc đáo. Chùa và cầu đều được thiết kế bằng gỗ, được sơn son chạm trổ rất chi tiết, khá công phu, đặc biệt mặt chùa quay về phía bờ sông nên mang lại không gian thoáng mát, trong lành.


Nhìn hình ảnh chùa Cầu, cây cầu nổi bật với mái cong mềm mại, nâng đỡ bởi hệ thống kết cấu gỗ rất bền chắc và khu nền móng được làm bằng vòm trụ đá. Phần chùa ngăn cách với phần cầu bởi một lớp vách gỗ, bộ cửa thượng song hạ bản, mang đến không gian đặc biệt.

 

 


Một điều mà bất cứ du khách nào cũng thấy bất ngờ, dù tên là chùa nhưng chùa không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ, một vị thần bảo hộ xứ sở giúp cuộc sống dân ấm no, vui vẻ, hạnh phúc. Hai bên đầu chùa Cầu Hội An có 2 tượng thú, 1 bên là tượng chó và 1 bên là tượng khỉ. Các tượng được chạm khắc bằng gỗ mít với tư thế ngồi chầu, phía trước mỗi tượng có 1 bát nhang cúng vái.


Theo tương truyền, con thủy quái Mamazu có đầu nằm ở Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ Dương, thân ở Việt Nam, khi cựa mình động đậy sẽ làm động đất, gây thiên tai, lũ lụt. Và người Nhật thường dùng tượng Thần Khỉ, Thần Chó để trấn yếm quái vật. Và cũng theo một thuyết khác thì tượng khỉ và tượng chó có ý nghĩa do chùa Cầu Hội An được khởi dựng vào năm Thân, hoàn thành năm Tuất.

 

 


Chùa Cầu Hội An không chỉ là “trái tim” của Hội An, là biểu tượng văn hóa của cong người và vùng đất nơi đây mà còn mang ý nghĩa linh thiêng, là nơi để dân làng hội họp, cầu an, cầu mong về một cuộc sống giao hòa, tương thân tương ái, sức khỏe và may mắn. Nếu có dịp đến Hội An thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm chùa Cầu nhé!

DU LỊCH ĐÔNG TÂY XANH